Tổng hợp kinh nghiệm chọn mua máy ảnh cũ (phần 1)

Tham gia từ: 7 years trước

26/02/2015

Bên cạnh những sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến, thị trường mua bán TPHCM mặt hàng máy ảnh cũ giá rẻ vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng bởi sự đa dạng và mức giá hấp dẫn. Đối tượng chính của thị trường này phần lớn là những người lần đầu đến với niềm đam mê nhiếp ảnh. Họ thường chọn các dòng máy cũ để tiết kiệm chi phí, có thể thừa ra một khoản tiền để đầu tư cho ống kính và các thiết bị hỗ trợ…Sau một thời gian sử dụng máy ảnh cũ giá rẻ, nếu có đủ điều kiện thì người chơi có thể nâng cấp lên các dòng máy chuyên nghiệp và hiện đại hơn để thỏa mãn niềm đam mê khám phá.

Cũng như các mặt hàng điện tử khác, khi chọn mua máy ảnh cũ, người dùng nên có những kiến thức nhất định nếu không muốn gặp phải những rủi ro về chất lượng, thậm chí là mua nhầm sản phẩm hư hỏng hoặc đã qua sửa chữa. Trong quá trình kiểm tra, nếu máy chỉ có một số lỗi nhỏ thì bạn vẫn có thể cân nhắc nếu nó được bán với giá quá rẻ, còn trong trường hợp máy bị những lỗi không thể khắc phục hoặc chi phí khắc phục cao thì bạn tuyệt đối đừng nên mua. Tuy không phải mọi loại máy ảnh cũ đều có những rủi ro, nhưng trước khi tìm đến dòng sản phẩm đã qua sử dụng, người dùng nên lưu ý một số kinh nghiệm quan trọng để tránh những hỏng hóc và có được sự lựa chọn phù hợp. Tham khảo các trang web rao vặt cũng là một gợi ý để có thêm lựa chọn.

Thị trường máy ảnh giá rẻ khá đa dạng về chủng loại và giá cả. Nguồn: legacyimagery.com

Thị trường máy ảnh giá rẻ khá đa dạng về chủng loại và giá cả. Nguồn: legacyimagery.com

Chọn loại máy

Trước khi quyết định mua máy ảnh cũ, bạn nên xác định nhu cầu sử dụng của bản thân để lựa chọn sao cho thích hợp, điều này sẽ có ảnh hưởng đến giá cả, tính năng của máy cũng như các phụ kiện đi kèm. Ba loại máy ảnh phổ biến nhất hiện nay gồm có: máy ảnh compact, máy ảnh không gương lật và dòng DSLR chuyên dụng. Hiểu rõ ưu và nhược điểm của ba dòng sản phẩm này sẽ giúp bạn lựa chọn được một thiết bị ưng ý.

1. Máy ảnh cũ dòng compact

Còn được gọi là máy ảnh PnS (point and shoot) hay máy ảnh du lịch, đây là dòng sản phẩm dành cho người dùng không chuyên, có kích thước nhỏ gọn và cách vận hành đơn giản. Máy thường có cảm biến nhỏ, độ phân giải từ 12 megapixel và tích hợp đèn flash. Ngoài ra, còn có thêm các tính năng như: chống rung, chống nhòe, nhận diện khuôn mặt hay quay phim HD… Hầu hết các máy ảnh compact đều không có kính ngắm mà xem trực tiếp trên màn hình LCD, một số dòng cao cấp thì được trang bị màn hình xoay lật. Ống kính thường là loại zoom quang cố định với thân máy, có dải zoom phổ biến từ 4 – 6x (máy có kích thước nhỏ) hoặc hàng trăm x (máy ảnh siêu zoom). Sản phẩm đã qua sử dụng có giá bán dao động từ 30 – 200 USD tùy theo tính năng.

Ưu điểm: gọn nhẹ, kiểu dáng thời trang, dễ sử dụng, giá thành rẻ.

Nhược điểm: không có kính ngắm, cảm biến ảnh nhỏ nên hạn chế chất lượng ảnh, giới hạn các thông số thiết lập. Không phù hợp để chụp ảnh chuyên nghiệp, ảnh có chuyển động nhanh hoặc trong điều kiện thiếu sáng.

Ưu điểm nổi bật nhất của máy ảnh compact là tính nhỏ gọn. Nguồn: manipalblog.com

Ưu điểm nổi bật nhất của máy ảnh compact là tính nhỏ gọn. Nguồn: manipalblog.com

2. Máy ảnh không gương lật MILC cũ (Mirroless interchangeable lens camera )

Tuy có kích thước nhỏ gọn như dòng compact nhưng lại có khả năng thay đổi ống kính như DSLR, máy ảnh không gương lật có thể cho hình ảnh với chất lượng tốt hơn. Dòng máy này có cảm biến lớn nhưng hầu hết sản phẩm vẫn không có ống ngắm mà chỉ sử dụng màn hình cảm ứng. Ngoài ra, nó còn sở hữu nhiều tính năng phong phú như: tích hợp Wifi, định vị GPS, quay phim HD với chế độ lấy nét liên tục… Có giá bán từ 150 USD trở lên khi mua máy ảnh cũ, tùy vào lựa chọn có kèm lens kit hay không.

Máy ảnh không gương lật có thể hoán đổi ống kính khi sử dụng. Nguồn: hardwarezone.com.sg

Máy ảnh không gương lật có thể hoán đổi ống kính khi sử dụng. Nguồn: hardwarezone.com.sg

Ưu điểm: linh hoạt, gọn nhẹ nhưng vẫn có nhiều tính năng, hiệu ứng. Có thể kết hợp với ống kính rời thông qua ngàm tương thích, có cảm biến đủ lớn để nâng cao chất lượng ảnh chụp.

Nhược điểm: Giá bán máy ảnh cũ dòng này cao hơn nhiều so với máy ảnh compact và tuỳ chỉnh phức tạp hơn, trong khi hiệu năng làm việc vẫn chưa thể sánh được với DSLR cùng tầm giá. Hạn chế về ống kính và các phụ kiện đi kèm nên kém hấp dẫn đối với người dùng chuyên nghiệp.

3. Máy ảnh cũ DSLR

Máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời DSLR (Digital Single Lens Reflex) còn được gọi là máy ảnh cơ, có thể hoán đổi nhiều loại ống kính khác nhau, có gương lật cho phép người chụp quan sát thông qua kính ngắm quang học. Dòng máy này có cảm biến lớn nên cho chất lượng hình ảnh tối ưu nhất, bắt hình nhanh hơn nên có thể chụp ảnh ngay khi bấm nút mà không có khoảng trễ. Ngoài ra, nó còn có nhiều tùy chỉnh chuyên nghiệp như hệ thống lấy nét tự động (AF), chế độ Live View, có thể quay phim Full HD… Mặc dù đã rẻ hơn nhiều so với trước đây, nhưng máy ảnh DSLR cũ vẫn có giá thành đắt nhất trong ba loại, thân máy có giá từ 200 USD và các loại lens có giá bán từ 90 USD.

Ưu điểm: Chất lượng hình ảnh tốt, có đủ các tính năng chuyên nghiệp. Có thể kết hợp với nhiều ống kính để đáp ứng các nhu cầu chụp ảnh khác nhau. Có nhiều phụ kiện phong phú như kính lọc, đèn flash rời, chân máy, remote điều khiển từ xa…

Nhược điểm: Thân máy to, cồng kềnh nên thiếu linh hoạt. Điều khiển phức tạp, giá thành và chi phí bảo dưỡng đắt.

So sánh về kích thước giữa DSLR và máy ảnh không gương lật. Nguồn: photographylife.com

So sánh về kích thước giữa DSLR và máy ảnh không gương lật. Nguồn: photographylife.com

Chọn model

Trước khi tìm mua máy ảnh cũ, người dùng nên tìm hiểu về đặc điểm cũng như tính năng của từng chủng loại. Máy chụp ảnh thường có tuổi thọ không quá dài (chỉ khoảng 10 năm), công nghệ lại liên tục đổi mới, vì thế không nên chọn các sản phẩm đời quá cũ, năm sản xuất chỉ nên cách thời điểm mua từ 2 – 3 năm. Hơn nữa, những sản phẩm lỗi thời được bán với giá rẻ thường bị chai pin, giảm thời gian sử dụng hoặc rất khó tìm mua các linh kiện điện tử giá rẻ thay thế.

Mời các bạn xem tiếp tổng hợp kinh nghiệm chọn mua máy ảnh cũ (phần 2).

Bài được tổng hợp và viết bởi blog kinh nghiệm Chợ Tốt. Xin vui lòng trích dẫn nguồn nếu có sử dụng thông tin trên.

Bài viết liên quan

Bình luận

Có thể bạn quan tâm